CHÚC MỪNG NGÀY VẬT LÝ Y KHOA THẾ GIỚI 7.11.2020

Từ năm 2013, ngày 7/11 được chọn là ngày Vật lý Y khoa Thế giới (IDMP), lấy theo ngày sinh của Marie Sklodowska-Curie – người tiên phong trong các nghiên cứu về phóng xạ. Mỗi năm, Tổ chức Vật lý Y khoa Thế giới lựa chọn một chủ đề đặc biệt để chúc mừng cũng như nhấn mạnh về tính cấp thiết của một khía cạnh khác biệt nào đó của Vật lý Y khoa.

Năm nay chủ đề được lựa chọn là “Vật lý Y khoa là một ngành nghề trong hệ thống chăm sóc sức khỏe” nhằm nhấn mạnh việc thiếu hụt một sự công nhận chính thức các nhà Vật lý Y khoa như là một phần của lực lượng cán bộ y tế ở hầu hết các nơi trên Thế giới. Việc thiếu hụt sự công nhận ngành nghề này gây cản trở lớn trong việc tiếp cận đầy đủ giáo dục và đào tạo, cũng như là gây cản trở trong việc phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD); ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng thực hành lâm sàng, mà một trong những vấn đề đáng lưu ý là “y đức” – vấn đề có liên kết chặt chẽ tới tất cả các hoạt động trong y tế.

Ngoài ra, việc không có vị trí nghề nghiệp thích hợp khiến cho các nhà Vật lý Y khoa phải tuân theo những tiêu chuẩn chuyên môn nghề nghiệp không tương xứng, dẫn tới sự thiếu hụt trong việc thiết lập và duy trì các quá trình quản lý chất lượng đối với các thiết bị y học bức xạ, mà hậu quả là làm tăng nguy cơ rủi ro lên bệnh nhân. Sự thiếu công nhận ngành nghề cũng dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám và tình trạng thiếu nguồn nhân lực, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Những hướng dẫn quốc tế đã khẳng định rằng Vật lý Y khoa là một phần của lực lượng cán bộ y tế. Vật lý Y khoa được Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) công nhận là một ngành nghề trong hệ thống chăm sóc sức khỏe từ năm 2008. IAEA cũng một lần nữa khẳng định điều này trong các ấn phẩm IAEA International BSS (2014), HHS 25 (2013) and SSG 46 (2018), đồng thời nhấn mạnh rằng các nhà Vật lý Y khoa muốn thực hành theo đúng tiêu chuẩn nghề nghiệp thì phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định về năng lực. (Source: IAEA – https://humanhealth.iaea.org/…/IDMP/2020/index.html….).

Việt Nam đang dần quan tâm đến vị trí nghề nghiệp của VLYK và chất lượng của nguồn nhân lực này. Với sự hỗ trợ của IAEA, Đại học Nguyễn Tất Thành đã xây dựng thành công chương trình đào tạo VLYK chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Hệ thống phòng thí nghiệm với các thiết bị thực hành hiện đại phục vụ cho nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu. Đội ngũ giảng viên tâm huyết được đào tạo bài bản từ các Đại học có chương trình VLYK được công nhận trên thế giới. VLYK NTT tự tin sẽ là đơn vị cung cấp nguồn nhân lực VLYK với đầy đủ kiến thức và kỹ năng trong tương lai gần.

 

Call Now